Nguyễn Như Phong
Ông chủ xe phấn khởi bảo Bình:
- Thế mày thử kiểm tra xem xe còn vấn đề gì nữa không.
Bình:
- Dạ, vâng, cháu thấy lửa hơi sớm, để cháu chỉnh lại.
Ông Biểu:
- Làm sao mày biết lửa sớm?
Bình:
- Dạ, khi đạp nổ máy, cháu thấy lửa đánh ngược lại một chút. Nếu mà lửa đánh sớm thì dễ nổ máy nhưng máy nóng lắm, mà động cơ hai kỳ như vậy rất hại.
Thế rồi với vẻ rất thành thạo, Bình lại tháo ma-nhê-tô phát điện ra và đặt lại lửa, rồi chiếc xe lại nổ máy giòn tan.
Ông chủ xe nói:
- Mày đi thử xe xem.
Bình:
- Cháu không biết đi xe, cháu chỉ biết nổ máy thôi.
Ông chủ xe:
- Ơ cái thằng này, mày biết chữa xe mà lại không biết đi à?
Bình:
- Cháu ở nhà quê, chỉ được bố cháu dạy chữa xe, chứ còn đi thì nhà cháu không có xe máy.
Ông Biểu cười bảo:
- Được rồi, ngày mai chú sẽ dạy cháu đi xe máy, nhưng mày bé tí thế này mà ngồi lên xe máy, công an vớ được thì toi.
Bình lau xe cẩn thận rồi nói với ông Biểu trả lại xe cho ông khách.
Ông chủ xe nói với ông Biểu:
- Thế nào, tính giá sao đây?
Ông Biểu nói với vẻ thoải mái:
- Thôi cái này là công của thằng cháu, anh cho nó được bao nhiêu thì cho, nhưng anh thấy đấy, anh mang xe đi mấy nơi mà không chữa được mà thằng cháu đây lại chữa được, kể cũng khá đấy chứ.
Ông chủ xe gật gù nói:
- Công nhận thằng này khá, thôi từ nay xe hỏng bác cứ mang đến đây nhé.
Bình lễ phép:
- Dạ vâng ạ, bác cứ mang đến đây, nhưng mà cháu sợ cháu chỉ biết có một ít thôi, còn nhiều chỗ cháu không biết đâu.
Ông chủ xe:
- Không, ta nghe mày nói được cả tiếng Pháp, như vậy là mày khá rồi.
Thế rồi ông rút ra 15 đồng đưa cho ông Biểu:
- Đây, tôi trả công cho hai thầy trò.
Ông Biểu líu ríu cám ơn rồi bỏ tiền vào hộc tủ khóa lại.
Ông chủ xe vừa nổ máy xe đi xong, Thủy Tiên bảo bố:
- Này ông bô, ông bô định ăn cả số chỗ ấy à?
Ông Biểu quắc mắt nhìn Thủy Tiên:
- Con này, mày ăn nói láo quá nhỉ. Thế nào là ông bô ăn cả?
Thủy Tiên nói:
- Bác ấy bảo rằng, chữa xe này là công của anh Bình, ông ấy trả cho anh ấy thì bố phải trả cho anh ấy mới đúng, mà anh ấy chữa được như thế là làm mát mặt cho bố, lẽ ra bố phải thưởng thêm mới đúng chứ.
Bình vội vàng túm áo Thủy Tiên và bảo:
- Thủy Tiên đừng nói thế.
Ông Biểu mở tủ lấy ra 5 đồng đưa cho Bình và bảo:
- Đây thưởng cho mày.
Rồi ông cười khà khà và nói:
- Chú không ngờ tay nghề của mày khá thật. Thôi được rồi bây giờ chú thay cái biển.
Bình:
- Chú thay biển thế nào?
Ông Biểu:
- Thì đây là biển hiệu chữa xe đạp, bây giờ chú cho thêm chữ xe máy. À mà không, chú sửa tên Tây vào là sửa chữa xe đạp, môtô các loại cho oai.
Bình:
- Nhưng chú phải thuê được thợ giỏi, chứ cháu chưa biết được mấy đâu.
Ông Biểu:
- Được rồi, mày cứ yên tâm chú sẽ tính.
Rồi ông Biểu bảo Thủy Tiên và Bình:
- Hai đứa trông cửa hàng bố về nhà có việc một tý.
Thủy Tiên cười nhạt bảo:
- Chắc bố lại về giúp mẹ “đan quạt” chứ gì.
Ông Biểu:
- Bây giờ có thằng Bình trông cửa hàng rồi, nó giúp bố thế là tốt. Hôm nay mày lại ở nhà à? Không còn chỗ nào đi nữa hay sao?
Thủy Tiên bĩu môi:
- Ông bô hay thật, hay là ông muốn con đi hẳn thì bảo. Được rồi, ông bô đã nói thế thì con đi.
Ông Biểu:
- Con với chả cái, tao nói là nói thế chứ mày là con lớn phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ, thằng em mày nó đã không ra gì rồi. Đi như chó dái ngoài đường suốt ngày. Bây giờ mày cũng lại đi nữa. Đời tao với mẹ mày sao lại khổ thế này. Đẻ con có trai có gái, đứa nào mặt mũi cũng sáng sủa, khôi ngô. Gái ra gái, trai ra trai thế mà chẳng đứa nào chịu học hành gì cả, chẳng hiểu rồi sau này chúng mày làm gì để mà sống. Các cụ dạy rồi: “Ấu bất học lão hà vi” – trẻ không học già làm được cái gì.
Thủy Tiên:
- Ơ hôm nay bố lại nói cả chữ nho.Thôi bố cứ về đi, còn cái chuyện cuộc đời chúng con, chúng con khắc lo. Còn bố xem, mẹ không có cái nghề cầm đồ mà chỉ trông vào cái cửa hàng chữa xe này của bố thì liệu nhà mình, có đủ ăn không. Cho nên con thấy rồi, con đi buôn, chứ con không làm như thế này.
Ông Biểu hỏi:
- Mày đi buôn? Mày thì có mà “buôn cứt bán cho chó”. Chắc là hôm vừa rồi thắng một quả cò con, bây giờ lên mặt. Gớm, tao mà tin mày, tao bán nhà từ lâu rồi.
Thủy Tiên cười bảo:
- Rồi ông bô xem.
Thủy Tiên thọc tay vào túi quần lấy ra một chiếc nhẫn 2 chỉ và nói:
- Bây giờ con định thế này, cứ mỗi một quả thắng được là con mua 2 chỉ hoặc 5 chỉ cất đi, đến lúc có vàng nhiều con chuyển làm ăn cái khác.
Ông Biểu lắc đầu:
- Mày nói thì nói, tao cũng chẳng tin mày. Chúng bay trông hàng, tao về nhà.
Ông Biểu đi rồi, Thủy Tiên nhìn Bình bằng ánh mắt hết sức thân thiện:
- Hôm nay ông anh làm em ngạc nhiên thật, em không nghĩ ông anh lại giỏi đến thế.
Bình:
- Những căn bệnh này bố anh dạy từ lâu rồi.
Thủy Tiên:
- Thế ngoài cái nghề chữa xe này anh còn biết nghề gì không?
Thủy Tiên cười nói:
- Anh cua đồng thật, chắc ngoài cái nghề chữa xe thì anh chẳng biết thêm cái nghề gì.
Bình nói:
- Không, anh còn biết một thứ nữa.
Thủy Tiên hỏi:
- Anh biết cái gì?
Bình cười và gãi đầu nói:
- Em không biết thôi, anh giỏi võ lắm đấy.
Thủy Tiên ngạc nhiên nắm tay Bình bảo:
- Tay rắn thế, nhưng anh giỏi ở mức nào.
Bình đưa cho Thủy Tiên một đoạn ống tuýp và nói:
- Bây giờ thế này, em cứ vụt thật lực ngang bụng anh xem có làm sao không nhé.
Thế rồi Bình cởi áo và bắt đầu đứng vận cơ để cho Thủy Tiên vụt.
Thủy Tiên bảo:
- Em đánh liệu có làm sao không?
Bình:
- Cứ thử xem.
Thủy Tiên rụt rè vụt một cái.
Bình:
- Em cứ đánh thật lực xem nào. Có bao nhiêu sức cứ đánh đi.
Lần này thì Thủy Tiên mắm môi mắm lợi phang thẳng cánh vào bụng, thấy Bình hự một cái nhưng Bình đứng thẳng lại ngay. Ở bụng Bình hằn lên một vệt đỏ. Thủy Tiên vội vàng sờ vào vết lằn ở bụng Bình hỏi:
- Anh có đau không?
Bình:
- Cho em vụt mấy cái nữa.
Thủy Tiên lắc đầu:
- Ồ công nhận ông anh khỏe thật, thế nhưng mà ông anh luyện kiểu gì? Ông anh có biết đánh nhau không?
Bình:
- Anh nói thật với em nhé, nếu như loại không biết gì về võ nghệ mà gặp anh thì anh chấp 5 thằng.
Thủy Tiên cười rinh rích:
- Em thỉnh thoảng đi buôn cứ bị chúng nó bắt nạt, bây giờ có ông anh rồi, ông anh bảo vệ em. Ông anh thử đi một đường quyền cho em xem nào.
Bình cười bảo:
- Thôi hôm nào phải ra sân bãi cơ, ở đây chật hẹp thế này không hay.
Thủy Tiên hỏi Bình:
- Anh tập võ từ khi nào?
Bình:
- Anh tập từ khi còn bé lắm, bố anh bảo: một là học nghề, hai là học võ để phòng thân. Không biết võ nghệ không giữ được thân mình, khi gặp bọn xấu thì còn trông mong gì bảo vệ người khác.
Thủy Tiên rót một ca nước đưa cho Bình bảo:
- Ông anh làm em hơi bất ngờ đấy. À, tối nay, anh em mình đi xem phim đi.
Bình hỏi:
- Phim gì?
Thủy Tiên:
- Xem phim ở rạp Tháng 8 hay lắm. Tối nay có chiếu phim “Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại”, anh đi với em nhé.
Bình lắc đầu:
- Thôi anh sợ chú thím lắm.
Thủy Tiên bảo:
- Anh sợ gì ông bà ấy, hôm nay anh chữa xe như thế này, em đảm bảo với anh ngày mai ông bà ấy coi anh như thánh.
Bình cười khì khì hỏi:
- Thế trước kia ở đây không có thợ à?
Thủy Tiên:
- Cũng có một tay thợ khá phết, nhưng mà em nói thế này anh phải giữ mồm giữ miệng nhé.
Bình:
- Ừ em cứ nói đi, anh giữ bí mật.
Thủy Tiên:
- Ấy là thế này, mẹ em không hiểu thế nào phải lòng cái lão ấy. Em biết ông bô em yếu không làm ăn gì được, cái thằng kia nó chữa xe chữa cộ thì ngu, ăn thì khỏe. Chẳng hiểu sao mẹ em lại phải lòng, thế rồi một lần anh chị tòm tem thế nào đó ông bô em tóm được thế là ông bô em đuổi.
Bình:
- Nếu bây giờ mẹ em vẫn đi với cái thằng ấy thì thế nào?
Thủy Tiên:
- Ôi giời, nếu nó ở gần đây thì chẳng qua lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Thỉnh thoảng bà “tụt tạt” một tý cho vui. Mẹ em chẳng mê giai, chỉ mê mỗi một thứ là kiếm nhiều tiền và chờ bạch thủ.
***
Buổi sáng tại nhà Bình.
Bình dậy sớm tập thể dục. Anh tập đạp xe trong nhà. Bình cắm đầu cắm cổ đạp cho đến khi kim đồng hồ chỉ được 10km.
Bình lấy khăn lau mồ hôi thì Chung khẽ khàng nói:
- Anh ra ăn sáng đi rồi em còn cho các con đi học.
Nhìn trời mây giông vần vũ, Chung bảo Bình:
- Anh ạ, trời sắp mưa to. Mà em nghe dự báo thời tiết, hôm nay mưa cả ngày. Hay em bảo chú Thuận đánh ôtô đưa các con đi học nhé.
Bình nhíu mày:
- Thôi, em cứ lấy xe máy đưa chúng nó đi.
Chung nhìn Bình có vẻ ngạc nhiên:
- Trời sắp mưa to lắm.
Tự nhiên Bình bực mình:
- Thế nếu như nhà không có ôtô thì đi bằng cái gì?
Biết tính chồng đã nói như vậy là không muốn cho đi ôtô, bởi vì từ trước đến nay, Bình luôn luôn bảo vợ rằng: “Làm ra nhiều tiền thì tiêu pha càng phải tiết kiệm”. Hơn nữa, Bình cũng không muốn để cho con mình, mới đang học lớp 5 mà đi học đã có xe đưa xe đón, bạn bè chúng nó nhìn vào, chẳng ra sao cả. Chúng nó ghen tị, rồi mọi người nhìn thấy cũng chẳng hay ho gì. Những năm tháng ở trong trại giam, Bình đã biết quá nhiều chuyện con các ông to bà lớn được chiều chuộng rồi sinh hư hỏng.
Thấy vợ không vui, Bình nói:
- Anh đã nói với em nhiều rồi. Chiều con cái là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc chúng nó hư hỏng sau này. Em thử nghĩ xem, bọn bạn bè khi nhìn thấy nó đi ôtô đến trường sẽ nghĩ như thế nào. Rồi các thầy, cô giáo, rồi còn bao nhiêu người nghèo nữa. Con họ đến trường, đứa nào khá thì được bố mẹ đưa đón bằng xe máy, còn không thì xe đạp. Rồi thì còn biết bao nhiêu đứa còn phải cuốc bộ. Thế mà con nhà mình lại cứ ngồi ôtô đến. Em cứ chịu khó đưa nó đi xe máy, còn nếu không, để anh đưa đi cho.
Chung lẳng lặng đi dọn đồ ăn cho chồng. Bữa ăn sáng cũng đạm bạc đáng ngạc nhiên, chỉ có mấy củ khoai lang đã bóc vỏ sẵn, một bát cơm, một khúc cá kho và một hộp sữa chua.
Chung lấy từ trong tủ lạnh ra một cốc nước xanh lè, nói:
- Mọi hôm, anh thường uống nước trước khi tập thể dục, sao hôm nay lại không uống ư?
Bình gãi đầu và bảo:
- Ừ, anh quên mất.
Từ nhiều năm nay, Chung làm cho Bình một thứ nước, chẳng hiểu nghe thầy lang nào bảo, mà thường buổi sáng mỗi ngày anh uống trước khi tập thể dục. Cốc nước ấy khi là mướp đắng xay, khi là lá chè tươi vò nát vắt lấy nước rồi cho vào đấy một ít sữa chua đánh lên.
Bình uống cốc nước xong rồi ngồi ăn khoai lang trước. Anh ăn rất ngon lành. Rồi như chợt nhớ ra, anh hỏi vợ:
- Các con ăn gì rồi?
Chung bảo:
- Chúng nó ăn mì ăn liền.
Bình hỏi tiếp:
- Thế em ăn gì, hay là lại nhịn?
Chung cười:
- Em đang nhịn ăn để giảm cân đấy. Dạo này ngót bớt rồi, chỉ còn gần 60 cân thôi.
Bình nhăn mặt nói:
- Ăn ít không phải là tốt. Vấn đề là ăn thế nào thôi. Em đừng có kiêng cữ thế rồi đến lúc ốm là khổ. Mà phụ nữ đến cái tuổi này cũng phải có da, có thịt. Khiếp, anh trông mấy cái cô người mẫu, người cứ như cái giẻ, dặt dẹo, trông xơ xác như con gà mái mới ấp.
Chung cười bảo chồng:
- Em nghe nói các cô người mẫu rồi hoa hậu hay tìm đến đại gia lắm. Không biết anh đã có cô nào chưa?
Bình lắc đầu. Chung cười:
- Thôi đi. Anh cứ làm như em chẳng biết gì. Hôm nọ nghe nói bảo có hai cô đến xin làm thư ký cho anh, xinh như mộng, mà lại còn đi học ở Singapore về nữa.
Bình lắc đầu thủng thẳng:
- Đúng thật. Có hai cô, mà cũng là do Bí thư Tỉnh ủy giới thiệu đến. Nhưng anh bảo, nếu các cô thích làm việc thì sẽ xếp việc cho các cô ấy, xuống dưới công ty con. Anh định đưa các cô ấy xuống làm tổ chức nhân sự và thư ký văn phòng ở dưới Công ty Xây dựng số 4 nhưng các cô ấy không thích. Mà không thích thì thôi, anh cũng chẳng cần.
Bình ăn sáng gần xong thì có tiếng chuông gọi cổng. Một lát, Phó tổng giám đốc Hòa và người lái xe ôm lần trước tên Trúc vào nhà. Bình đón hai người với nét mặt vui vẻ, hồ hởi.
Chung đon đả nói:
- Anh Hòa có uống cà phê không?
Hòa lắc đầu bảo:
- Không, tôi dạo này phải kiêng rồi chị ạ. Huyết áp cao ngất ngưởng. Ai nhìn cũng bảo khỏe mạnh với phong độ, nhưng biết đâu mỗi ngày 3 vốc thuốc dốc vào mồm. Sáng ngủ dậy từ trên giường lăn xuống đất là lại phải một viên huyết áp.
Quay sang Trúc, Chung hỏi:
- Chú muốn uống cái gì?
Trúc rụt rè:
- Dạ. Chị cho em nước trắng ạ.
Bình hỏi Hòa:
- Thế nào, công việc có gì mới không?
Hòa:
- Báo cáo anh. Việc anh giao cho em lo cho chú Trúc đây thì em đã làm xong. Các thủ tục thành lập Hợp tác xã xe ôm số 1, em cứ tạm đặt là “Xe ôm số 1”, hoặc là lấy cái tên giao dịch “Xe ôm Sans Souci”, tiếng Pháp nghĩa là “không lo lắng”.
Bình cười bảo:
- Nghe nói, trên Hà Nội đã có cái đội xích lô treo biển “Sans Souci” thì mình không nên lấy trùng với họ như thế. Nhưng thôi, chuyện cái tên không quan trọng. Tình hình triển khai đến đâu rồi?
(Xem tiếp kỳ sau)
N.N.P
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận