Nhà thôi miên Roman Fad.
Chuyện kể về một nữ sinh trên đường đi tàu về nhà, khi xuống nhà ga, cô gái gặp một người phụ nữ trung niên và hai người trò chuyện. Sau đó, cô gái rơi vào trạng thái gần như vô thức. Đến khi tỉnh ra thì toàn bộ đồ trang sức trên người, trị giá khoảng 35.000 rupi đã không cánh mà bay… Đó là những vụ án dùng thôi miên để lừa đảo khi phương pháp này rơi vào tay những kẻ xấu. Tuy nhiên, liệu pháp đặc biệt này cũng được ứng dụng trong công tác phá án.
Các chuyên gia đã dùng thôi miên để giúp nhân chứng nhớ lại những chi tiết trong một vụ án, từ đó có thể tìm ra nhân dạng của kẻ bị tình nghi hoặc bổ sung thêm các tình tiết quan trọng khác trong hồ sơ giúp phá giải các vụ án đặc biệt hóc búa.
Gặp người lạ trên đường, bỗng nhiên móc túi đưa tiền
Phiên toà diễn ra vào tháng 8-2010 tại toà án của TP Volzhsky, nước Nga là một phiên toà kỳ lạ. Bị cáo trong phiên toà này là một nữ nhân viên ngân hàng, cô ta bị buộc tội đã biển thủ hơn 2,6 triệu rúp của ngân hàng. Người phụ nữ này tên là Ekaterina S., hiện đã bị sa thải sau vụ việc này. Nhưng trong phiên xử, khi lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Sberbank tại địa phương yêu cầu cô phải bồi hoàn số tiền hơn 2,6 triệu rúp mà cô làm thất thoát, thì nữ nhân viên này kiên quyết từ chối và cho rằng, chính mình cũng là nạn nhân của một vụ cướp bằng phương pháp thôi miên.
Theo lời kể của Ekaterina, cách đó gần 2 tháng, trong một lần trên đường đến chỗ làm, cô gặp một người phụ nữ tên là Galina Korzhova, một phụ nữ Digan trung niên. Người phụ nữ này đã chủ động bắt chuyện với Ekaterina trên phố, và nói với cô rằng cô và gia đình sắp gặp đại họa mà chỉ bà ta mới hóa giải được. Ekaterina nhanh chóng bị lôi cuốn vào câu chuyện của Galina và cô nói rằng lúc đó cảm thấy rất tin tưởng những lời của người phụ nữ này.
Sau đó, cô đã ngoan ngoãn nghe theo lời chỉ bảo của người phụ nữ mới quen, tức tốc đi cùng bà ta đến ngân hàng nơi mình làm việc và rút tiền bỏ vào những chiếc túi nhựa rồi trao cho bà ta ngay bên ngoài trụ sở ngân hàng. Và chỉ đến khi người phụ nữ này bỏ đi, cô mới giật mình nhận thức được việc mình vừa làm và vội báo cho đồng nghiệp. Galina bị bắt ngay sau đó. Qua điều tra, cảnh sát nghi ngờ người phụ nữ này có thể đã gây ra khoảng 30 vụ án với thủ đoạn tương tự ở nhiều ngân hàng trên khắp nước Nga.
Các nhà điều tra thôi miên nhân chứng để hồi phục trí nhớ.
Còn với Yulia Shestakovich, một vận động viên bơi nghệ thuật trong đội tuyển tham dự Olympic của nước Nga kể rằng. Vào năm 2003, trong một buổi chiều đi shopping, cô có gặp hai người phụ nữ lạ mặt trên phố, sau đó cô không nhớ là hai người phụ nữ này đã nói chuyện gì với cô mà Yulia đã dẫn họ về nhà và đưa cho họ tiền cùng với đồ trang sức trị giá 19.000 USD. Sau khi hai người phụ nữ này ra khỏi nhà thì Yulia mới giật mình và vội vã đến sở cảnh sát khai báo. Tại đây, cô cho biết không hề nhớ gì về chuyện đã xảy ra, ngoại trừ việc đang đi đường thì gặp một phụ nữ hỏi giờ, sau đó khoảng 2 tiếng, cô thấy mình ở nhà và số tài sản có giá trị trên đã biến mất.
Dùng thôi miên để cướp ngân hàng, xâm hại bệnh nhân
Những vụ cướp nghi ngờ bằng phương pháp thôi miên không chỉ giới hạn trong biên giới nước Nga, mà đã được ghi nhận ở khá nhiều nơi khác trên thế giới. Năm 2008, ở Italia đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng thật kỳ lạ. Tất cả các nạn nhân là nhân viên ngân hàng trong ca làm hôm đó đều không biết sự việc đã diễn ra như thế nào. Điều duy nhất họ nhớ được là có một người đàn ông đến gần và nói với họ: "Hãy nhìn vào mắt tôi". Sau vụ việc này, cảnh sát nghi ngờ một người đàn ông đã dùng phương pháp thôi miên để ra lệnh cho nhân viên thu ngân ở siêu thị và ngân hàng nộp tiền cho mình. Vì thế mà vụ cướp có thể diễn ra một cách nhanh chóng và trót lọt đến như vậy.
Vụ gần đây nhất được báo chí đưa tin xảy ra ở thành phố Thane, phía tây Ấn Độ gây được sự chú ý của rất nhiều sinh viên trong các trường đại học. Nạn nhân là một nữ sinh viên năm thứ hai. Theo lời nạn nhân thì trong một lần sau khi tan học, cô bắt tàu về nhà như thường lệ, nhưng vừa xuống ga tàu thì có một phụ nữ trung niên ăn mặc khá kín đáo, khuôn mặt gần như chỉ để hở hai con mắt đã đến gần bắt chuyện với cô. Cô gái sau đó rơi vào trạng thái gần như vô thức, đi lại gần 1 tiếng đồng hồ trên sân ga mà không biết mình đang làm gì, rồi sau đó lấy xe đạp đi về nhà nhưng lại đi sai đường. Đến khi tỉnh ra thì toàn bộ đồ trang sức trên người, trị giá khoảng 35.000 rupi đã không cánh mà bay. Còn khi hỏi người phụ nữ kia đã nói với cô chuyện gì, thì cô gái hoàn toàn không hề nhớ.
Không chỉ dùng thuật thôi miên để khiến nạn nhân rơi vào trạng thái vô thức sau đó lấy cắp tài sản, năm 2007, một thiếu nữ 16 tuổi ở Indonesia đã trình báo cảnh sát trong trạng thái vô cùng hoảng sợ việc cô bị hai người đàn ông lạ mặt cướp ví tiền, điện thoại di động và xâm hại tình dục. Nhưng điều lạ là khi bị cướp và bị xâm hại tình dục, cô gái đó không hề có ý thức cũng như không hề chống cự. Cô đã bị rơi vào trạng thái thôi miên. Cô gái cho biết, sau khi bắt tay một trong hai người này, cô bỗng nhiên rơi vào trạng thái kỳ lạ và răm rắp nghe theo mọi sai khiến của họ.
Cách đây khá lâu, báo chí Pháp cũng đưa tin một bác sĩ nổi tiếng về tài thôi miên tên là Andre Lescoeur (Pháp) đã bị truy nã về tội cưỡng hiếp ít nhất là 100 nữ bệnh nhân. Đại đa số các nữ bệnh nhân khi bị cưỡng hiếp đều không biết chuyện đã xảy ra vì tất cả đều bị Andre Lescoeur thôi miên mê man trước khi hắn thực hiện hành vi đồi bại.
Phẫn nộ hơn nữa là sau khi cưỡng hiếp các nạn nhân, Andre Lescoeur còn bắt mỗi bệnh nhân phải trả 200 USD cho việc "thôi miên trị bệnh cứu người" mà hắn đã làm. Kỳ quái hơn là tất cả những lần hắn bậy bạ với nữ bệnh nhân, hắn đều thu băng video và dùng chính những video này để tống tiền các nạn nhân bằng cách cho họ xem, sau đó đe dọa nếu không đưa tiền cho hắn, hắn sẽ gửi cuốn băng này cho chồng của nạn nhân hoặc tung lên mạng.
Rất nhiều nạn nhân muốn tố cáo hắn nhưng sợ liên lụy và ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình đang hạnh phúc nên họ chọn cách im lặng. Chỉ đến khi một thiếu nữ trẻ không chịu được nỗi sỉ nhục của tên bác sĩ này nên đã tố cáo hắn với cảnh sát. Sau một thời gian bí mật theo dõi, cảnh sát đã ập vào phòng mạch của hắn tại Marseilles. Nhưng không biết tự lúc nào, Andre Lescoeur đã trốn thoát.
Theo thống kê trên một tờ tạp chí Nga, ở Moscow mỗi năm, số đơn trình báo cướp bằng thôi miên lên đến 300 - 400 vụ, ngoài ra còn rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra trên thế giới. Chưa biết rằng thuật thôi miên có thật hay không nhưng những vụ việc trên đã làm nhiều người hoài nghi về sự tồn tại của thôi miên.
Khi thuật thôi miên phát huy tác dụng: Thôi miên nhân chứng giúp tìm ra hung thủ
Ngoài những mặt trái của thuật thôi miên là giúp những kẻ xấu dùng để gây án, thôi miên còn được ứng dụng trong ngành pháp y. Các chuyên gia dùng thôi miên để giúp nhân chứng nhớ lại những chi tiết trong một vụ án, từ đó có thể tìm ra nhân dạng của kẻ bị tình nghi hoặc bổ sung thêm các tình tiết quan trọng khác trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, do có khả năng nhân chứng có thể cung cấp ký ức sai nên kỹ thuật này cũng còn gây khá nhiều tranh cãi trong giới pháp y.
Trong những năm 70 của thế kỷ 20, một vụ trọng án giết người bằng súng đã làm đau đầu các nhà điều tra hình sự. Vụ án xảy ra tại thành phố New York, nước Mỹ. Nạn nhân là một thanh niên trẻ bị bắn ngay trên một con phố ít người qua lại, vì phát đạn bắn quá hiểm nên nạn nhân đã chết ngay sau đó. Tuy nhiên, các dấu vết để lại hiện trường của vụ án này quá mờ nhạt nên rất khó xác định hung thủ. Hơn nữa, nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ án hôm đó lại có đúng một người, nhưng người làm chứng này lại quên hết một số tình tiết quan trọng, anh ta chỉ nhớ là đã nhìn thấy nạn nhân đổ gục xuống đường với máu lênh láng chảy, sau đó thấy hai, ba người mặc đồ đen chạy lên xe và phóng đi, còn ngoài ra không nhớ gì hết.
Các nhà điều tra đã mất một thời gian dài để điều tra vụ án nhưng mọi kết quả mang lại đều là con số 0. Còn nhân chứng duy nhất thì liên tục bị triệu tập lên sở cảnh sát lấy lời khai với hi vọng anh này có thể nhớ ra được chi tiết nào quan trọng phục vụ công tác phá án. Tuy nhiên mọi cố gắng từ cả hai phía cảnh sát và nhân chứng đều không mang lại kết quả mong muốn. Sau đó, khi tình cờ đọc được một số tài liệu về ứng dụng của phương pháp thôi miên trong phá án, tổ điều tra đã quyết định dùng phép thôi miên.
Họ đã mời các nhà chuyên môn đến để thôi miên nhân chứng này. Và thật kỳ lạ, sau khi bị thôi miên, người này đã nhớ lại toàn bộ số xe, hình dáng bên ngoài của hung thủ, diễn biến của vụ bắn súng và những đoạn đối thoại mà anh ta đã tình cờ nghe được. Thú vị hơn là, vốn là người nói lắp thế nhưng nhân chứng đã nói rất lưu loát trong trạng thái bị thôi miên. Và cuối cùng, nhờ những lời khai này, cảnh sát Mỹ đã nhanh chóng phá vụ án hóc búa...
Vào tháng 3/2009, một vụ án khá nghiêm trọng xảy ra tại nhà ga phí đông của thành phố Munic, nước Đức. Nạn nhân là một người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hai kẻ lạ mặt đánh đập và hành hung dã man. Tuy nhiên việc nhận dạng hai kẻ tình nghi này rất khó khăn trong khi nhân chứng duy nhất là một cô gái 19 tuổi dường như nhớ rất mờ nhạt về vụ hành hung. Một đội điều tra vụ án đặc biệt được thành lập với cái tên "Tonfa" gồm 19 thành viên.
Họ bắt đầu công việc của mình với nghi án ban đầu là chiếc BMW màu đen có thể được dùng để chạy trốn sau vụ tấn công dã man xảy ra vào ngày 9/3/2009, bởi theo nhiều nguồn tin thì kẻ tấn công và đồng phạm đã bỏ trốn cùng với một phụ nữ trên một chiếc xe giống như vậy sau khi hắn chửi nạn nhân -anh Mehmet, 21 tuổi là "đồ ngoại quốc bẩn thỉu" và dùng một cái dùi cui đánh anh này trọng thương ở đầu.
Tuy nhiên, vì số lượng xe ôtô trong diện tình nghi quá lớn, vì vậy việc điều tra đã gặp muôn vàn khó khăn và đã dần đi vào bế tắc. Lúc đó, Đội trưởng Đội Điều tra Reiner Groger đã phải vận dụng đến một phương pháp điều tra rất đặc biệt, đó là liệu pháp thôi miên để hoá giải vụ án này. Nữ nhân chứng 19 tuổi đã đồng ý để được thôi miên với hi vọng sẽ nhớ được đầy đủ mọi chi tiết giúp cảnh sát điều tra làm sáng tỏ vụ án. Sau đó, một cựu cảnh sát, chuyên gia tâm lý và thôi miên người bang Hessen đã đưa cô gái này vào trạng thái thôi miên để phục hồi lại những hình ảnh đã chứng kiến trong vụ ẩu đả này.
Và kết quả là, "trong trạng thái thôi miên, cô gái đã nhớ ra đó là một chiếc xe hiệu Caribo màu đen, bên trong nội thất của ôtô sáng màu chứ không phải chiếc BMW như chúng tôi đã phán đoán. Và trong trạng thái thôi miên, cô gái còn nhìn thấy mặt trước của chiếc xe gồm biển số xe bắt đầu với những chữ cái FFB… Điều này đã giúp đỡ rất nhiều cho chúng tôi trong việc khoanh vùng những chiếc xe", ông Beyser, trưởng ban an ninh nhà nước tiểu bang Bayern cho biết.
Thông qua đó, những thông tin về chủ chiếc xe Caribo đã được cảnh sát làm sáng tỏ. Tuy người chủ của chiếc xe này đã không nhiệt tình hợp tác với các nhà điều tra và cũng không mở cửa khi cảnh sát đến nhà, nhưng sau khi đã theo dõi và giám sát các cuộc điện thoại, thì các nhà điều tra đã có thể kết luận chắc chắn rằng: chủ sở hữu của chiếc Caribo không hề liên quan gì đến vụ hành hung, mà ông ta chỉ là người cho mượn xe.
Và cũng thông qua việc điều tra những cuộc điện thoại đó mà cảnh sát đã có đủ thông tin và bằng chứng để buộc tội, vì vậy hai kẻ tình nghi đã bị bắt. Họ cũng đã thừa nhận những hành vi tội lỗi của mình. Cả hai đều khai đó là một vụ đánh ghen bởi nạn nhân Mehmet đã dám tán tỉnh cô bạn gái của một trong hai người.
Không chỉ Đức mà các cơ quan điều tra nước Nga cũng sử dụng thuật thôi miên trong công tác điều tra. Tổng cục trưởng Yuri Lekanov (Tổng cục Hình pháp thuộc Uỷ ban điều tra tội phạm của Viện kiểm soát tối cao Liên bang Nga) khẳng định: "Trong thời gian vừa qua, nhờ có thuật thôi miên mà cơ quan điều tra tội phạm mới nhanh chóng phá án được như vậy.
Giúp nhân chứng phục hồi "bộ nhớ"
Vào tháng 4/2008, chỉ trong vòng một tháng rưỡi, cái chết của 5 em bé, tất cả đều chưa quá 10 tuổi xảy ra liên tiếp đã khiến các cơ quan điều tra hình sự nước Nga thật sự đau đầu. Đa số các cháu bé kể trên đều bị cưỡng bức trước khi bị giết chết. Ở Krasnoyarsk có bé gái Polina Malkova, mới 5 tuổi. Ở ngoại ô Moscow, có hai em bị giết cùng lúc: bé gái Nastia Butenkova (ở làng Tomilino) và bé trai Glep (ở thị trấn Likino-Dulevo), cả hai cùng 10 tuổi. Ở Samara là bé gái Shucrone Shakurova, 8 tuổi. Ở làng Lychkovo thuộc khu vực Novgorod, bé trai Vanhia Volkov, 6 tuổi, phải chịu một cái chết thương tâm.
Vì các vụ án xảy ra cách nhau rất gần, lo ngại sẽ có những vụ án mà nạn nhân là những em bé sẽ tiếp tục xảy ra nên các nhà điều tra nhanh chóng bắt tay vào cuộc, hi vọng sớm tìm ra hung thủ. Nhiều kẻ tình nghi đã bị bắt giữ, nhưng tất cả sau đó lại được tại ngoại vì không có đủ chứng cớ để kết tội. Sau đó vụ án đành khép lại trong nỗi thất vọng của cơ quan điều tra và nhân thêm nỗi lo lắng của những ông bố bà mẹ có con nhỏ.
Ba năm sau, cơ quan điều tra đã nhờ nhà thôi miên Roman Fad tìm ra nguyên nhân gây ra cái chết đầy bí ẩn của 5 bé gái. Nhà thôi miên Roman Fad đã sử dụng khả năng đặc biệt của mình xác định các nạn nhân đã bị bắt cóc. Ông mô tả tường tận rõ ràng địa điểm mà các nạn nhân đã bị giam giữ, và quan trọng hơn ông đã mô tả lại chân dung một tên mắc bệnh tâm thần đã tổ chức bắt cóc rồi lần lượt bóp cổ các nạn nhân. Nhờ những chi tiết quan trọng này mà tên giết người đã nhanh chóng bị sa lưới sau nhiều năm lẩn trốn. Hắn vô cùng bất ngờ khi cảnh sát tra còng số 8 vào tay hắn và nói về cái chết của 5 bé gái tội nghiệp.
Trên thực tế, có rất nhiều cảnh sát của các thành phố lớn của Nga hiện nay đảm nhiệm vai trò chuyên gia về thuật thôi miên. Một trong những người nổi tiếng trong lĩnh vực này là Đại tá Alexei Skripnikov. Thành tích gần đây nhất của ông là giúp cảnh sát Permi bắt được một kẻ giết người hàng loạt nhiều năm liền chạy trốn trong thành phố lớn đông dân. Tên này có đặc điểm là hay tấn công cảnh sát để giật súng và đi gây tội ác. Nhờ thôi miên một số nhân chứng, Skripnikov đã phác họa được chân dung của tên giết người hàng loạt. Sau đó bức phác họa chân dung của hắn đã được dán trên toàn quốc và hắn nhanh chóng bị bắt không lâu sau đó. Hắn là một lính cứu hoả, hành tung khá bí ẩn và là kẻ thoắt ẩn thoắt hiện, di chuyển rất nhanh.
Theo ông Lekanov, thông thường các nhân chứng bị sốc mạnh cho nên nhất thời không nhớ được nhân dạng và đặc điểm của tên tội phạm. Nhà thôi miên sẽ giúp các nhân chứng phục hồi "bộ nhớ" trong khi bị thôi miên. Phương pháp này hoàn toàn giống như công việc của các nhà tâm lý học. Ông cũng cho biết việc dùng thuật thôi miên trong công tác điều tra tội phạm hình sự thật ra đã có từ 20 năm nay trong ngành cảnh sát Nga và toà án. Tuy nhiên, do thiếu chuyên gia giỏi, nó không được phát triển như mong muốn của các nhà điều tra. Hơn nữa công việc có vẻ nặng về tâm linh này không được một số lãnh đạo ngành ủng hộ lắm. Nhưng bản thân Lekanov đã có kinh nghiệm trong chuyện này cho nên ông vẫn kiên trì thuyết phục cấp trên.
Số là ông có một người bà con tìm cách bỏ thuốc lá nhưng trầy trật mãi mà không bỏ được. Ông Lekanov đã nhờ tiến sĩ tâm lý học Vladimir Kucherenko dùng phương pháp thôi miên giúp người bà con của ông từ bỏ được thuốc lá. Từ đó về sau, ông Lekanov đã sử dụng khả năng kỳ lạ của Kucherenko trong các cuộc điều tra hình sự. Chính Tiến sĩ Kucherenko đã dùng khả năng thôi miên của mình giúp một nạn nhân nhớ lại được biển số xe taxi mà người này đã bỏ quên chiếc cặp da đựng rất nhiều tiền trong xe.
Ông Lekanov khẳng định, trong các vụ án, hầu hết nạn nhân đều là những người trí óc lành mạnh và không bị bỏ thuốc mê như nhiều tin đồn đại, thực ra họ chỉ bị bọn tội phạm làm cho rối trí đến mức sẵn sàng giao tài sản, tiền bạc cho chúng. Bộ não chúng ta chỉ có khả năng xử lý một lượng thông tin nhất định trong một khoảng thời gian, nếu lượng thông tin dồn đến quá mạnh và quá nhanh (ví dụ khi nghe một người thao thao bất tuyệt) hoặc ngược lại quá chậm (người nói diễn đạt chậm, lặp đi lặp lại), thì hoạt động của não sẽ chùng xuống, chúng ta trở nên lơ đãng, mất tập trung và mức độ cảnh giác giảm đi. Khi đó, chúng ta rơi vào một trạng thái bị thôi miên. Kỹ thuật này tuy đơn giản, nhưng lại rất hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tâm lý và điều tra viên ở Nga, tuy không phải ai cũng chống lại được bẫy thôi miên của giới tội phạm, nhưng nhìn chung, vẫn có cách tự bảo vệ mình trước thủ đoạn này. Chẳng hạn, nếu có cảm giác nghi ngờ hoặc không thoải mái khi có người lạ đến bắt chuyện thì nên chấm dứt ngay cuộc trò chuyện và bỏ đi, hoặc có thể quay đi phía khác để làm sao lãng và thoát ra khỏi sự kiểm soát của người thôi miên đó
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận