Một số vấn đề bất cập trong văn bản 141 của TAND tối cao hướng dẫn giải quyết yêu cầu trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản

Theo đó, TAND tối cao viện dẫn quy định tại Điều 163, Bộ luật dân sự năm 2005 về Tài sản và quy định tại điểm 8,  Điều 6, Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 về Giấy tờ có giá để đưa ra kết luận và hướng dẫn như sau: 

1) Các loại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô, Giấy đăng ký tàu biển,….không phải là “Giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163, Bộ luật dân sự năm 2005; do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết.

2) Trường hợp người khởi kiện chỉ đòi lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản do người khác đang chiếm giữ thì Tòa án giải quyết như sau:

a) Trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Tòa án áp dụng điểm e, khoản 1, Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Trong văn bản trả lại đơn khởi kiện, Tòa án phải ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện là yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

b) Trường hợp đã thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ vào khoản 2, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý; trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự; căn cứ khoản 3, Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự;

c) Khi trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên, Tòa án phải hướng dẫn cho người khởi kiện có thể yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền buộc người chiếm giữ bất hợp pháp giấy tờ nêu trên phải trả lại cho chủ sở hữu, người chiếm giữ hợp pháp đối với loại giấy tờ đó. Trong trường hợp giấy tờ bị mất thì chủ sở hữu, người chiếm giữ hợp pháp đối với loại giấy tờ nêu trên có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại Giấy tờ bị mất theo quy định của pháp luật (ví dụ: yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bị mất theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Bên có lỗi trong việc làm mất Giấy

Kể từ khi được ký ban hành, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều đối với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao trong văn bản 141 nêu trên, trong đó có cả ý kiến của chính các thẩm phán ở Tòa án các cấp đang làm nhiệm vụ xét xử. Văn bản 141 nêu trên của TAND tối cao thể hiện rõ một số điểm bất cập như sau:

Thứ nhất: Việc TAND tối cao viện dẫn quy định của Luật ngân hàng nhà nước năm 2011 để khẳng định các loại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là “Giấy tờ có giá” là hợp lý. Tuy nhiên, việc TAND tối cao căn cứ vào đó để kết luận và hướng dẫn Tòa án các cấp không thụ lý giải quyết đối với yêu cầu buộc trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản do không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là chưa phù hợp với các quy định khác của pháp luật, không phù hợp với tình hình thực tế và chưa xem xét một cách toàn diện vấn đề này, cụ thể như sau:

a) Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là loại văn bản được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để chứng nhận (ghi nhận) quyền sở hữu đối với một tài sản cụ thể của công dân và công dân phải nộp lệ phí cho Nhà nước khi được cấp. Nó không phải là “Giấy tờ có giá” nhưng có hình dạng, có thể cầm nắm, sờ thấy được cho nên nó có thể coi là vật, là một loại tài sản và thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người được Giấy chứng nhận.

Hiến pháp năm 1992 quy định rất rõ ràng tại Điều 58 như sau: Công dân có quyền sở hữu đối với tài sản…và Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân.

Điều 9, Bộ luật dân sự năm 2005 đã cụ thể hóa quyền hiến định nêu trên như sau: Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

- Công nhận quyền dân sự của mình;

- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;

- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

- Buộc bồi thường thiệt hại.

Tại Điều 255, Bộ luật dân sự có quy định: Chủ sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu….Điều 256 quy định cụ thể về quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu.

Vì vậy, Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một vật, một loại tài sản nên chủ sở hữu của nó có quyền yêu cầu đòi lại tài sản, có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền đó của họ. Áp dụng quy định tại khoản 9, Điều 25, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 thì đây là một trong những “tranh chấp dân sự khác mà pháp luật có quy định” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

b) Đối với quan điểm cho rằng Giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ là văn bản ghi nhận các đặc điểm của tài sản và quyền sở hữu tài sản đó cho một chủ thể nào đó nên không thể coi đó là một vật, là một loại tài sản vì không thể xác định giá trị của nó.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản có giá trị vật chất (của chính nó) rất là nhỏ nhưng lại có giá trị rất lớn trong quá trình chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền sở hữu tài sản của mình. Theo quy định hiện hành, Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là căn cứ pháp lý để xác định quyền sở hữu đối với tài sản của một chủ thể, là căn cứ pháp lý duy nhất và quan trọng để chủ sở hữu thực hiện các quyền sở hữu của mình, trong đó bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Nếu không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì chủ sở hữu không thể thực hiện việc bán, tặng cho, thừa kế……đối với tài sản của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Ngay cả đối với trường hợp không coi Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một loại tài sản nhưng xét về mặt ý nghĩa sự tồn tại của nó đối với tài sản, chủ sở hữu tài sản và việc thực hiện quyền sở hữu của chủ sở hữu thì với trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân, Tòa án cũng phải (cần thiết) thụ lý giải quyết yêu cầu đòi lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, bởi vì: có thể coi việc chiếm giữ không hợp pháp đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu. Căn cứ theo quy định tại Điều 255, Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi vi phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu.

Thứ hai: Văn bản 141 của TAND tối cao sẽ đẩy trách nhiệm giải quyết yêu cầu đòi lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của công dân sang cơ quan công an, cơ quan hành chính là những nơi vốn dĩ không đủ điều kiện, thẩm quyền giải quyết dứt điểm loại việc này như Tòa án các cấp và như vậy là đẩy công dân vào thế “bế tắc” của một vòng luẩn quẩn, không có phương hướng giải quyết, cụ thể:

Đối với trường hợp bị mất Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì có thể yêu cầu cơ quan hành chính có thẩm quyền cấp thực hiện thủ tục hành chính cấp lại theo quy định của pháp luật. Còn đối với trường hợp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản bị chủ thể khác chiếm giữ trái pháp luật, như: Công dân mang Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đi cầm cố, thế chấp vay nợ nhưng khi trả nợ thì không được trả lại thì xử lý như thế nào?

- Đến cơ quan công an để yêu cầu giải quyết được không khi mà TAND tối cao cho rằng nó không phải là tài sản thì căn cứ vào đâu để yêu cầu cơ quan công an giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho công dân? Chưa kể đây là tranh chấp liên quan đến tài sản vốn được cơ quan công an mặc định là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền của họ và ngay lập tức hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa.

- Đến cơ quan hành chính để xin cấp lại có được không? Trường hợp bên cầm giữ có đơn nói rằng đang có tranh chấp thì ngay lập tức cơ quan hành chính sẽ dừng lại việc cấp theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan hành chính lại hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa?

Như vậy, việc này lại quay về Tòa và theo như hướng dẫn tại Văn bản số 141 thì Tòa không có thẩm quyền giải quyết? Người dân bị chiếm giữ Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trái pháp luật sẽ “đến đâu, làm gì” để yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình?

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền và lợi ích cho công dân, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao nên xem xét về tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, hợp tình và tính khả thi của Văn bản số 141/TANDTC-KHXX do ông Đặng Quang Phương ký ban hành vào ngày 21/9/2011 nêu trên.

Luật sư Hà Thị Thanh
Ủy ban giám sát đạo đức, khen thưởng, kỷ luật

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889