Những bí mật của CIA ở Thụy Sĩ

 Thế nhưng, tất cả những bí mật đó giờ đây bỗng dưng bị tiết lộ hàng loạt trong báo cáo điều tra của một thanh tra Thụy Sĩ và một quyển sách do các nhà báo Mỹ thực hiện vừa phát hành, cũng như phiên tòa sắp mở vào đầu năm tới để xét xử gia đình người Thụy Sĩ làm gián điệp cho CIA.

 

 

Ngày 23/12/2010, thanh tra Thụy Sĩ Andreas Mueller đã tổ chức một cuộc họp báo công bố kết quả điều tra lại vụ án mua bán trái phép công nghệ hạt nhân và làm gián điệp trái phép trên đất Thụy Sĩ. Tại cuộc họp báo, ông Mueller đã phê phán chính quyền Thụy Sĩ tiếp tay cho người Mỹ ém nhẹm vụ án trong nhiều năm qua và đề nghị tòa án đưa vụ án ra xét xử.

Vụ xét xử nếu được tiến hành có thể sẽ diễn ra vào năm nay, và khi đó, lệnh bắt tạm giam sẽ phải được thi hành lại đối với các bị can. Điều khiến CIA lo ngại chính là ở chỗ, một khi phiên tòa được mở, nhiều điều bí mật về các hoạt động của CIA tại Thụy Sĩ sẽ được tiết lộ công khai qua hồ sơ cáo trạng và cả những lời khai, bào chữa của phía bị can.

Ba người trong một gia đình Thụy Sĩ bị đề nghị truy tố theo kết luận điều tra của thanh tra Mueller gồm ông Freidrich Tinner, 73 tuổi, kỹ sư công nghệ hạt nhân, và 2 con trai là Urs, 45 tuổi và Marco, 42 tuổi. Theo kết quả điều tra, gia đình nhà Tinner từng là thành viên tham gia điều hành mạng lưới buôn lậu công nghệ và thiết bị hạt nhân toàn cầu do Tiến sĩ Abdul Qadir Khan - cha đẻ chương trình chế tạo bom hạt nhân của Pakistan - cầm đầu. Thanh tra Mueller đã theo đuổi vụ Tinner trong suốt 2 năm qua, hiện đã hoàn tất quá trình điều tra và thực hiện xong báo cáo dày 174 trang đánh máy trong đó chứa đựng nhiều bằng chứng để buộc tội cha con nhà Tinner.

Theo báo cáo điều tra của thanh tra Mueller, với vai trò điều phối của mình, cha con nhà Tinner đã cung cấp cho mạng lưới của Khan công nghệ chế tạo các máy ly tâm dùng trong quy trình làm giàu uranium để làm nhiên liệu cho các lò phản ứng. Nếu bị truy tố và kết tội, cha con nhà Tinner có thể lãnh mức án tù lên đến 10 năm.

Vụ án cha con nhà Tinner hoạt động trong mạng lưới của Tiến sĩ Khan từng diễn ra từ năm 2003. Năm 2004, cuộc điều tra vào việc mua bán hạt nhân giữa mạng lưới của Tiến sĩ Khan với Libya đã dẫn đến việc bắt giữ cha con nhà Tinner. Ban đầu, họ bị cáo buộc các tội danh "làm gián điệp phi pháp trên đất Thụy Sĩ" và "hỗ trợ phát triển vũ khí hạt nhân".

Tuy nhiên, khi cuộc điều tra đang được tiến hành thì Tinner - cha được thả ra vào năm 2006, đến năm 2008 thì Urs được thả và một năm sau, năm 2009, Marco cũng được thả mà không hề bị truy tố bất cứ tội danh gì. Vụ án sau đó gần như bị xếp xó, nhưng với thanh tra Mueller, nó vẫn chưa kết thúc.

Khu nhà ở của gia đình Tinner tại vùng Haag, Thụy Sĩ.

Theo thanh tra Mueller, cha con nhà Tinner từng đóng vai trò "điệp viên ngầm" của CIA, được cài cắm vào mạng lưới của  Abdul Khan, mục đích không phải để bắt Tiến sĩ Khan mà là để nắm danh sách những quốc gia, tổ chức nào là "khách hàng" của ông "trùm bom". Cha con nhà Tinner đã nhận của CIA nhiều triệu USD tiền thù lao cho các hoạt động của mình. CIA chưa bao giờ công khai bình luận gì về mối quan hệ với cha con nhà Tinner. Sự im lặng này đang được hiểu là nhiều điều đang ẩn giấu bên trong.

Thật trùng hợp, khi thanh tra Mueller chuẩn bị tung báo cáo điều tra của mình thì hai nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra người Mỹ, Catherine Collins và chồng là Douglas Frantz (từng làm việc tại tờ New York Times và Los Angeles Times) cũng vừa phát hành quyển sách nhan đề "Fallout" (tạm dịch: Một vụ đổ bể) kể về việc bóc gỡ mạng lưới buôn lậu hạt nhân của Tiến sĩ Khan, trong đó chứa đựng nhiều chi tiết về việc cha con Tinner dính líu vào mạng lưới đó, cùng mối quan hệ với CIA cũng như các hoạt động bí mật khác của CIA và chính quyền Mỹ tại Thụy Sĩ suốt thời gian gần 10 năm qua. Các tác giả của quyển sách dường như đã tiếp cận được toàn bộ hồ sơ điều tra ban đầu trước khi chúng bị chính quyền Thụy Sĩ tiêu hủy.

Theo quyển sách “Fallout”, mối quan hệ giữa CIA với cha con nhà Tinner đã bắt đầu từ khoảng năm 2000. Trong suốt quá trình quan hệ đó, CIA luôn cho người theo dõi sát và thường xuyên đột nhập nhà ở của Tinner. Trong một lần đột nhập vào năm 2003, CIA đã phát hiện trong máy vi tính của kỹ sư Tinner những bản thiết kế chế tạo một số loại bom hạt nhân, trong đó có cả bản thiết kế quả bom hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, 2 bản thiết kế bom hạt nhân của Pakistan.

Tuy nhiên, CIA đã không tịch thu các bản thiết kế đó. Thế là không lâu sau đó, các bản thiết kế bom đã được phát tán cho các thành viên thuộc mạng lưới của Tiến sĩ Khan khắp toàn cầu. Năm 2003, các nhà điều tra hạt nhân Mỹ đã phát hiện một trong những bản thiết kế đó xuất hiện ở Libya và mang về Mỹ cất giữ. Có thể khoảng 12 quốc gia khác nữa cũng có bản thiết kế bom hạt nhân như Libya.

Hồ sơ điều tra về cha con nhà Tinner bị chính quyền Thụy Sĩ tiêu huỷ.

Năm 2006, khi cuộc điều tra đối với cha con Tinner đang tiến triển, chính quyền của Tổng thống George W.Bush đã nhận thấy nhiều bí mật của CIA, trong đó có hàng loạt điệp viên ngầm hoạt động tại Thụy Sĩ có nguy cơ bị tiết lộ, nên đã vận động quyết liệt để làm "chìm xuồng" vụ án. Ngoại trưởng Condolleezza Rice đã được phái sang Thụy Sĩ để vận động cho mục đích này.

Và năm 2007, dưới sức ép của Washington, chính quyền Bern đã phải hủy bỏ thủ tục truy tố vụ án gián điệp đối với cha con Tinner cũng như các cáo buộc khác đối với một loạt điệp viên ngầm của CIA. Tuy không bị truy tố tội làm gián điệp bất hợp pháp nhưng cha con Tinner vẫn phải đối mặt với bản án về buôn lậu vũ khí. Thế nhưng năm 2008, cuộc điều tra  này lại lâm vào bế tắc khi chính quyền Thụy Sĩ cho tiêu hủy gần 30.000 trang hồ sơ điều tra.

Rất may, vẫn còn 39 hồ sơ bị bỏ sót chưa tiêu hủy hết nên thanh tra Mueller đã có cơ hội tìm lại những bằng chứng để truy tố cha con nhà Tinner. Không biết lần này CIA sẽ dùng đến "bài thuốc" gì để ngăn cản luật pháp?


 

  Tiểu Khang (tổng hợp
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889