Vụ “bầu” Kiên: Kiến nghị về chủ thể tội “Cố ý làm trái”

Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) thì chủ thể của tội “Cố ý làm trái” là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và gây thiệt hại. Nhiều ý kiến cho rằng chủ thể của tội này chưa được quy định cụ thể và từ vụ bầu Kiên đã nảy sinh tranh cãi, kiến nghị. 

Vụ “bầu” Kiên: Kiến nghị về chủ thể  tội “Cố ý làm trái”

Băn khoăn về chủ thể của ”Cố ý làm trái” 

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong thời gian thực hiện các hành vi bị coi là phạm tội “Cố ý làm trái” giữ chức “Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập” và chức “Chủ tịch Hội đồng đầu tư”. Quy định nội bộ của ACB thì hai tổ chức “Hội đồng sáng lập” và “Hội đồng đầu tư” đều là các tổ chức có chức năng tư vấn cho Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng, không thuộc cơ cấu tổ chức quản lý mang tính pháp định của một tổ chức tín dụng như quy định của Luật các tổ chức tín dụng. 

Tuy nhiên, bầu Kiên và Luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo cho rằng Kiên không phạm tội “Cố ý làm trái” vì Kiên không phải chủ thể của tội này. Đối đáp lại, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng: “Tổ chức tín dụng là một DN đặc biệt, ngoài việc tuân thủ pháp luật như mọi DN khác thì các thành viên của HĐQT đều được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, vì thế coi các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn là phù hợp”. Từ lập luận đó, bầu Kiên dù không là người có chức vụ, quyền hạn trong ACB nhưng vẫn là đồng phạm tội “Cố ý làm trái” vì các bị cáo khác là người có chức vụ, quyền hạn.  

Sau khi nghe VKS đối đáp, bầu Kiên không đồng ý, cho rằng VKS đã đưa ra một khái niệm mới mà luật không cho phép, mình không phải là người có chức vụ, quyền hạn vẫn bị điều chỉnh vào tội “Cố ý làm trái” là không thỏa đáng. 

Điều 165 BLHS quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại… thì sẽ bị xử phạt với mức nặng nhẹ nhau tương ứng với hậu quả thiệt hại”. Chủ thể của điều luật được “khu trú” là người có chức vụ, quyền hạn. Trong lúc phiên tòa đang nghị án kéo dài, PLVN nhận được ý kiến của một số LS cho rằng sự trái chiều như trên là do chưa có hướng dẫn cụ thể về chủ thể của tội “Cố ý làm trái”. “Việc coi những người có chức vụ trong các doanh nghệp tư nhân hay cơ quan nhà nước đều là chủ thể của tội này là hết sức bất hợp lý khi tư nhân tự gây thiệt hại tài sản cho chính họ lại vẫn bị coi là phạm tội”- LS Trương Anh Tú (Đoàn LS Hà Nội) nêu ý kiến. LS Trần Thu Nam bào chữa cho bầu Kiên cũng cho biết, việc hiểu máy móc chủ thể tội này là như lập luận của VKS là không phù hợp. 

Một LS khác cho rằng, chủ thể của tội “Cố ý làm trái” phải hiểu là chủ thể đặc biệt, là các đối tượng, các chức vụ được bầu hoặc bổ nhiệm trong cơ quan nhà nước, ví dụ như ở các Bộ quản lý kinh tế điều tiết nền kinh tế vĩ mô, chịu trách nhiệm hoạch định trật tự kinh tế của Nhà nước theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.  

Đối chiếu với vụ án bầu Kiên, LS Tú cho rằng ACB là DN tư nhân, nếu họ gây ra thiệt hại cho chính tổ chức kinh tế của họ thì không nên coi đó là hành vi mang tính nguy hiểm cho xã hội, việc hình sự hóa hành vi này có thể làm hạn chế tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nếu coi các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì khác nào bắt DN tư gánh vai trò quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Giả sử, ACB là ngân hàng lớn nhất đi chăng nữa thì cũng không thể thay đổi bản chất dân doanh của nó nên không thể coi các bị cáo là chủ thể của tội này. 

Từ những diễn biến của vụ bầu Kiên như trên, có ý kiến đề nghị: “Mọi sự xâm phạm có yếu tố hình sự đều phải gắn liền với việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu xâm phạm quyền, lợi ích của chính mình mà tội phạm là không thuyết phục.  

Mặt khác, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô là những chính sách mang tính chiến lược do cơ quan nhà nước có thẩm quyền vạch ra để phát triển kinh tế theo định hướng, người dân và tổ chức kinh tế tư nhân không đủ thẩm quyền, tài lực và không có nghĩa vụ phải quản lý kinh tế vĩ mô. Do đó, trong thời gian tới cần có hướng dẫn áp dụng thống nhất theo hướng chỉ xử lý hình sự đối với những hành vi cố ý làm trái các quy định pháp luật về quản lý kinh tế của công chức, cán bộ, quản lý DN nhà nước để nhất quán và hợp lý”.

Lúc nào được làm nguyên đơn?

Cũng trong vụ án bầu Kiên, các LS tranh cãi việc ACB bị trở thành nguyên đơn bất đắc dĩ. LS Trương Thanh Đức - đại diện cho ACB cho biết họ không hề có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nhưng vẫn bị VKS xác định là nguyên đơn đối với khoản thiệt hại hơn 718 tỷ bị Huyền Như lừa đảo.“Chúng tôi không có thiệt hại, không có đơn yêu cầu thì pháp luật không thể yêu cầu ACB ngồi vào ghế của nguyên đơn, của người bị thiệt hại”. 

Ngay tại Tòa, LS của ACB đã lên tiếng: “Tư cách nguyên đơn là do tự nguyện, do ý chí nguyện vọng của cá nhân, pháp nhân và thỏa mãn hai điều kiện là có thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng ACB không có các điều kiện trên nên không thể là nguyên đơn.

Nhiều ý kiến của LS ngoài vụ án này cho rằng lập luận của ACB là đáng quan tâm bởi theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rất rõ: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại..”. Như vậy, nếu nguyên đơn không thừa nhận có thiệt hại và không có đơn yêu cầu thiệt hại thì không có căn cứ để xác định tư cách nguyên đơn trong vụ án hình sự./.

Theo Hà Linh

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889