Phải có thói quen tuân thủ pháp luật

Tính chất tội phạm ngày càng manh động, nguy hiểm, chống trả quyết liệt lực lượng Công an khi bị phát hiện, bắt giữ. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Đây là những nguyên nhân khiến thời gian gần đây, không chỉ dừng lại ở một số vụ việc chống người thi hành công vụ mà còn có cả những vụ người dân va chạm, xô xát với cảnh sát đang thực thi nhiệm vụ… gây thiệt hại cho cả hai phía.

Nhìn nhận khách quan về hiện tượng này sẽ có sự thông cảm, chia sẻ và thấy rõ trách nhiệm xã hội của bản thân mỗi người trong việc tạo thói quen tuân thủ pháp luật.

Bài viết dưới đây là góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Luật sư Phạm Hồng Hải, Trưởng văn phòng “luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự” về vấn đề này.

Thông tin nhiều chiều cho cái nhìn đa diện

Có thể thấy rõ hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận người dân, diễn ra công khai hàng ngày, dễ nhận thấy nhất là vi phạm Luật giao thông đường bộ. Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông và các biển báo, đi vào đường cấm, chở quá số người quy định... Khi lực lượng công an như CSGT, CSTT thi hành nhiệm vụ kiểm tra, đã xảy ra những hành vi chống đối, dẫn tới các vụ chống người thi hành công vụ. Rồi gần đây, dư luận đề cập nhiều đến hiện tượng trong khi lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ  (như CSGT, CS113, CSHS...) có gây ra những thiệt hại cho người dân. Như có người bị đánh, có người bị ngã, có người hỏng xe v.v..., thậm chí gần đây có những vụ việc dẫn đến người dân tử vong.

Những vấn đề này không phải tự nhiên "bùng phát" mà thực ra nó đã từng xảy ra, có điều là trong những năm gần đây, các kênh thông tin đa dạng hơn giúp người dân tiếp cận với thông tin nhiều chiều. Ngoài những vụ việc nêu gương thì báo chí cũng phản ánh trên mặt báo những hiện tượng tiêu cực, khiến  người ta nghĩ rằng: "Ô, sao bây giờ lại có những chuyện mà trước đây không có". Nhưng thực tế không phải như vậy. Sự phát triển mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng và mỗi phương tiện lại có thể khai thác sự việc ở góc độ khác nhau nên mang lại cho bạn đọc những cái nhìn cũng khác nhau. 

Cá nhân tôi cho rằng, liên quan đến  những bài báo nêu về hiện tượng như trên, có một số người làm báo không khách quan, chỉ nêu hiện tượng, thậm chí còn đưa ra những lời bình luận, dường như đổ hết lỗi cho cảnh sát. Điều này là không công bằng và không khách quan, đã gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an.

Ở xã hội nào cũng thế, Cảnh sát là lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính các công dân, của chính người dân. Thế cho nên về nguyên tắc, chúng ta không được xem xét và nhìn nhận cảnh sát như một lực lượng đối trọng với người dân mà phải nhìn nhận họ là những người đang thực thi công vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của   người dân, của xã hội. Nếu như nhìn nhận một cách đúng đắn như vậy thì trong bất kỳ một trường hợp nào, người dân cần thiết phải hợp tác với cảnh sát. Kể cả trong trường hợp cảnh sát có những hành xử không đúng thì người dân có trách nhiệm phê bình và chỉ ra cái sai.

 

Lãnh đạo Bộ Công an thăm hỏi, động viên một CBCS bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

 

Về phía cảnh sát thì cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả sự am hiểu pháp luật. Ví dụ như việc sử dụng công cụ hỗ trợ, cũng phải tuân thủ theo quy định của lực lượng, không phải lúc nào anh cũng được sử dụng. Nhưng tôi đặt vấn đề liệu người Cảnh sát đó đã nắm được những quy định ấy chưa? Cũng không loại trừ nguyên nhân  do tính cách của con người.

Ví dụ như CSGT tự nhiên chặn xe, kiểm tra giấy tờ như đăng ký, giấy phép lái xe... thì có thể bản thân đối tượng đó quát tháo, thậm chí văng tục, thắc mắc: "Tôi đã làm gì đâu mà anh kiểm tra tôi?" v.v... Tức là từ phía người dân có thể gây bức xúc cho người cảnh sát đó. Và nếu anh là người tính tình nhẹ nhàng, nhũn nhặn thì anh không có phản ứng gì. Nhưng nếu gặp những người có tính nóng nảy, thì lập tức sẽ xảy ra xung đột và sự phản ứng giữa hai bên dẫn đến xô xát. Và trong tường hợp  này, có những vụ người dân tấn công cảnh  sát, gây thiệt hại, thậm chí tước đi sinh mạng cảnh sát. Và cũng có thể xảy ra trường hợp cảnh sát gây thiệt hại cho người dân.

Vậy thì ở đây chúng ta phải nhìn nhận vấn đề từ hai phía chứ không chỉ từ phía cảnh sát gây thiệt hại cho dân khi thực hiện công vụ mà chúng ta phải nhìn nhận cả phía những người dân, có những đối tượng cũng gây thiệt hại cho cảnh sát vì lý do thực hiện công vụ của họ.

Cảnh sát phải nghiêm trang và tạo được cái uy

Bây giờ một cảnh sát mặc sắc phục, đeo quân hàm, thẻ, phù hiệu đầy đủ, về nguyên tắc người cảnh sát ấy đang thực hiện công vụ, thay mặt Nhà nước để giải quyết một công việc nào đó thì tất cả mọi công dân phải tuân thủ theo. Đó là vì sao ở nước ngoài khi lựa chọn sắc phục cảnh sát phải làm sao tạo được cái uy. Nếu ai đó đã có dịp đi ra các nước trên thế giới, khi tham gia giao thông trên đường phố sẽ thấy cảnh sát nước ngoài đứng trên các bục bệ mặt rất nghiêm trang, đưa ra những mệnh lệnh ngắn gọn buộc người khác phải phục tùng.

Ở đây, tôi không nói rằng lúc nào cảnh sát cũng phải tạo ra cái uy để người dân sợ. Nhưng làm sao để người cảnh sát từ cách ăn mặc, nói năng, ra mệnh lệnh phải tạo cái uy để người dân răm rắp tuân theo thì chúng ta chưa có quy định như vậy. Thực tế ra đường, còn một số ít cảnh sát không thực hiện đúng theo quy chế của lực lượng đã dẫn đến việc người dân không tôn trọng.

 

Một vụ chống người thi hành công vụ: Lái xe hất CSGT lên capo taxi.

 

Một người nước ngoài khi đi du lịch, đầu tiên là tiếp xúc với cảnh sát cửa khẩu, tiếp đó là CSGT khi đi trên đường phố. Vì vậy ấn tượng đầu tiên của một người khách nước ngoài đối với một đất nước chính là người cảnh sát. Tôi cho rằng, vai trò để khẳng định một nền văn minh, khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật đối với người nước ngoài mới đến một đất nước hay người từ địa phương này sang địa phương khác, chính là cảnh sát. Nên có lẽ lực lượng này phải có những quy định khác biệt so với những lực lượng thi hành công vụ khác.

Ví dụ như thẩm phán, khi thi hành công vụ tại tòa án được lực lượng Cảnh sát tư pháp bảo vệ, nếu người khác chửi bới lăng nhục sẽ bị bắt. Nhưng như CSGT khi bị đối tượng tấn công, một mặt phải tự xử lý tình huống nhưng lại phải vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ người khác. Rất khó khi cùng một lúc người cảnh sát phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chứ không chỉ một nhiệm vụ như kiểm sát viên, thẩm phán ở tòa.

Lựa chọn một cách ứng xử với vai trò của người cảnh sát như CSGT, CS113, CSHS...  là rất khó. Vì vậy trước hiện tượng như thời gian qua, bên cạnh việc lên án thì đồng thời phải chia sẻ. Như CSGT thi hành nhiệm vụ trên đường giữa trời nắng chang chang, rồi trời rét căm căm... thì rõ ràng ảnh hưởng về tâm lý.

Rồi CS113 ra đường, có những trường hợp nhất là thanh niên, người trẻ tuổi không những vi phạm pháp luật  còn có những hành vi chế giễu. Như không đội mũ bảo hiểm nhưng khi lướt xe máy qua còn có hành động như giơ tay vẫy vẫy, gây tâm lý bức xúc cho người thi hành công vụ. Vậy những vi phạm này báo chí đã viết nhiều hay chưa? Ở góc độ nếu người thi hành công vụ vi phạm thì cũng phải lên án. Nhưng nguyên nhân gì dẫn đến vi phạm thì lại phải chia sẻ.

Xây dựng thói quen tuân thủ pháp luật 

Với tư cách là người dân, người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và luật sư làm công tác thực tiễn áp dụng pháp luật, tôi cho rằng trước hết cần thiết phải có công tác  giáo dục pháp luật từ hai phía: trong lực lượng công an và người dân. Đặc biệt đối với người dân, làm sao để hình thành thói quen tuân thủ pháp luật. Còn hiện nay, chúng ta đang trong tình trạng người dân không có thói quen mà là bị bắt tuân thủ pháp luật. Một khi người ta không tự giác thì bao giờ cũng nảy sinh một tư tưởng, hành vi chống đối. 

Bây giờ để tạo thói quen tuân thủ pháp luật, phải có nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố không thể thiếu là thuyết phục và cưỡng chế. Đó là 2 biện pháp để Nhà nước quản lý, biện pháp để bắt một người phải vào guồng của pháp luật, vào hành lang pháp lý và thực hiện những quy định của pháp luật, ứng xử đúng các quy định của pháp luật. Một khi tuyên truyền, thuyết phục không được thì phải  cưỡng chế.

Một người chống người thi hành công vụ, chưa nói đến việc gây thương tích, thiệt hại sức khỏe cho người thi hành công vụ nhưng việc giằng co giữa đường, gây tắc đường, đó là không tuân thủ theo mệnh lệnh của người thi hành công vụ, rất đáng bị phạt, ít nhất là phạt hành chính khi hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự. Ngược lại chúng ta cũng phải xem xét phía những người thi  hành công vụ. Pháp luật và Nhà nước cho anh một cái quyền.

Quyền thì bao giờ cũng đi liền với trách nhiệm. Nếu anh không thực hiện đúng quyền thì anh phải chịu trách nhiệm. Khi anh phạm tội, bắn lại cảnh sát, thì lúc đó cảnh sát không có chuyện bắt sống mà tiêu diệt luôn. Nên rất nhiều trường hợp như đối tượng buôn bán ma túy, xã hội đen rất "ngại" cảnh sát, khi gặp cảnh sát là dừng tay. Vậy vấn đề đặt ra là pháp luật phải có quy định để bảo vệ cảnh sát một cách tốt nhất. Một công dân chống lại cảnh sát chính là chống lại Nhà nước.

Còn luật pháp của Việt Nam, đương nhiên trong các luật hành chính, hình sự có quy định người đang thi hành công vụ nếu bị chống trả, bị gây thương tích, bị xâm phạm đến tính mạng, đó là tình tiết tăng nặng. Nhưng tôi cho rằng dường như thế vẫn chưa nghiêm.

Thứ hai là hệ thống pháp luật. Tôi thiên về các biện pháp hành chính hơn. Nếu một sự việc nhỏ, ngay lập tức ta xem xét xử lý về hình sự thì không hay. Biện pháp hành chính  giáo dục tạo cơ hội cho người ta sửa chữa lỗi lầm. Hiện nay một số người có quan điểm phải phạt nặng. Tôi cho rằng quan điểm này không phù hợp. Không phải cứ có hình phạt nặng đã giải quyết được vấn đề. Có trường hợp chúng ta có thể thỏa thuận, hòa giải, xin lỗi công khai... để hai bên, kể cả công an và người dân cảm thông với nhau.

Về phía lực lượng công an, công tác tuyển chọn cán bộ cũng rất quan trọng, cần thiết phải lựa chọn những người có tính cách phù hợp với công việc và đào tạo bài bản, nhất là việc quy định sử dụng công cụ hỗ trợ phải chi tiết, tỉ mỉ, trong trường hợp nào mới sử dụng v.v...

Một điểm để giữ gìn sự trong sạch của cảnh sát, là thành lập đường dây nóng, hộp thư góp ý để lực lượng thanh tra của lực lượng xử lý những trường hợp CBCS có vi phạm những quy định của lực lượng, ứng xử không văn minh lịch sự. Nếu có phản ánh từ dư luận thì lực lượng Công an cũng cần nghiêm túc xem xét, xử lý để phòng ngừa vi phạm xảy ra.

Ngoài ra, khi các quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, công tác giáo dục và tuyên truyền còn yếu kém, tất yếu dẫn tới tình trạng một bộ phận lớn người dân còn chưa nhận thức được sự cần thiết cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của họ được pháp luật bảo vệ như thế nào? Người dân sẽ không hiểu được nếu ai cũng vi phạm, cũng lách luật, không tuân theo các quy định của pháp luật thì trật tự, an ninh an toàn xã hội sẽ như thế nào? Lúc ấy thì quyền lợi của người dân nói riêng và của toàn xã hội nói chung sẽ ra sao?

                                                                                                                                                  Báo điện tử CAND.COM

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889